Mở ra nhiều cơ hội…
Phát biểu tại Diễn đàn Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong năm 2019, còn nhiều dư địa cho ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam tăng trưởng. Cụ thể, ngành phấn đấu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản lên khoảng 11 tỉ USD, tăng thêm từ 1,5 – 1,7 tỉ USD (tương ứng 16 – 18 %) so với năm 2018. Trong đó, chú trọng duy trì và tăng trưởng tại 5 thị trường có giá trị xuất khẩu cao trong những năm qua, gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc đồng thời cũng mở rộng thị phần tại số thị trường tiềm năng khu vực Nam Mỹ, Nga, Australia, Canada, Ấn Độ…
Các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam cần tiếp tục được duy trì và phát triển như: viên nén, dăm gỗ, gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ dán, gỗ ghép, đồ mộc xây dựng, ghế ngồi, các đồ nội thất và bộ phận đồ nội thất… Đặc biệt, với nhóm đồ nội thất và các bộ phận liên quan có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu gỗ và lâm sản với 4 tỉ USD năm 2018, tăng 6% so với năm 2017. Vì thế, các chuyên gia nhận định đây tiếp tục sẽ là nhóm hàng mang đến sự tăng trưởng khả quan cho ngành chế biến và xuất khẩu gỗ trong năm nay.
Xuất khẩu gỗ của Việt Nam năm 2019: Cơ hội và thách thức |
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2019, tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục được duy trì, là tiền đề cho sự phát triển của các ngành công nghiệp, trong đó có chế biến và xuất khẩu gỗ. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu nên các doanh nghiệp ngành gỗ trong nước hoàn toàn có cơ hội mở rộng, phát triển thị phần kinh doanh. Bên cạnh các thị trường truyền thống, sự gia tăng tiêu thụ tại các thị trường mới, tiềm năng như Canada, Liên minh Kinh tế Á – Âu, Trung Nam Á… mở ra cơ hội cho xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam thời gian tới, đặc biệt là đồ gỗ nội thất trang trí theo phong cách cổ điển.
Năm 2018 cũng đánh dấu một năm với nhiều cơ chế, chính sách mới nhằm nâng cao giá trị và hình ảnh của ngành, định hướng ngành phát triển theo hướng ổn định, bền vững. Cụ thể, Chính phủ Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện với EU (VPA) tạo ra cơ hội hợp tác lớn cho các doanh nghiệp trong nước với các bạn hàng châu Âu. Thực hiện thành công VPA trong tương lai cũng giúp Việt Nam tăng cường quản trị rừng, tăng cường quản lý chuỗi cung nhằm tạo ra các sản phẩm gỗ hợp pháp phục vụ xuất khẩu. Từ đó, giúp mở ra cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho đồ gỗ Việt Nam khi xuất khẩu sang EU, qua đó tạo uy tín quốc tế cho sản phẩm gỗ Việt Nam trên trường quốc tế.
Ngoài VPA, Việt Nam cũng đã phê chuẩn và đang triển khai lộ trình của các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Hiệp định Đối tác Toàn diện xuyên Thái Bình Dương CPTPP và Việt Nam – EU (EVFTA) giúp thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng của các nước tham gia hiệp định sẽ tiếp tục được cắt giảm hoặc xóa bỏ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Thêm vào đó, Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) đã được ký kết với các quốc gia tạo thuận lợi cho Việt Nam do lợi thế cắt giảm thuế quan, cam kết giảm thiểu các hàng rào phi thuế quan. Đây đều là những cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp gỗ Việt “nối dài cánh tay”, vươn ra thị trường thế giới.
Xuất khẩu gỗ của Việt Nam năm 2019: Cơ hội và thách thức |
… và còn đó những thách thức
Mặc dù có thể tận dụng nhiều cơ hội để duy trì đà tăng trưởng nhưng ngành gỗ nói chung và xuất khẩu gỗ của Việt Nam nói riêng vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức làm ngăn trở sự phát triển bền vững của ngành.
Thứ nhất, sự phát triển của ngành gỗ hiện nay ở nước ta vẫn mang đậm nét truyền thống, tập trung vào xuất khẩu và mở rộng xuất khẩu ở các nhóm sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp. Kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2018 cao nhưng chủ yếu nằm ở nhóm hàng gỗ nguyên liệu, đặc biệt là viên nén, dăm gỗ và các loại ván. Nói cách khác, mô hình tăng trưởng hiện nay chưa tạo được sự phát triển về chiều sâu, với giá trị tạo ra ở các khâu như kỹ năng, thiết kế, thương mại, điều này hạn chế sự phát triển lâu dài của ngành.
Thứ hai, về chất lượng gỗ rừng trồng – tức nguồn cung của chế biến chưa thực sự được bảo đảm. Việc hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu với người trồng rừng để nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng vẫn còn hạn chế. Gỗ rừng trồng chủ yếu nhỏ, khai thác sớm, chất lượng thấp, cùng với sự phát triển nhanh của các cơ sở chế biến gỗ, nên áp lực về thiếu chủ động được nguồn nguyên liệu chất lượng gay gắt hơn, trong khi nguyên liệu nhập khẩu ngày càng khan hiếm và đắt đỏ hơn.
Thứ ba, giá thành vật liệu phụ trợ cao do vẫn chủ yếu phải nhập khẩu từ nước ngoài. Các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trong chế biến gỗ chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn sản xuất, nên hiệu quả và năng suất lao động còn thấp. Thêm vào đó, chủ nghĩa bảo hộ quốc tế đang có xu hướng gia tăng, nhiều chính sách tạo lập, rào cản kỹ thuật của nhiều quốc gia là thách thức đối với sự phát triển, xuất khẩu của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản. Thứ tư, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung vẫn chưa có hồi kết khiến việc xuất khẩu gỗ Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng do những biến động của thị trường. Một số chuỗi cung ứng hiện tại vẫn còn tồn tại một số mặt hàng sử dụng gỗ nguyên liệu có rủi ro cao do có nguồn gốc nhập khẩu. Trung Quốc là thị trường điển hình trong việc tiêu thụ các sản phẩm thuộc nhóm này của Việt Nam. Việc tồn tại các chuỗi cung ứng xuất khẩu với những sản phẩm gỗ có độ rủi ro cao là rào cản cho Chính phủ trong việc thực hiện hiệu quả các cam kết đã đề ra trong VPA.
Đứng trước những cơ hội và thách thức nêu trên, đòi hỏi các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam cần có sự nhạy bén trước những biến động của thị trường và hoạch định chiến lược phát triển sao cho phù hợp. Cần có sự thay đổi tư duy từ các nhà quản lý để xuất khẩu gỗ Việt Nam có tiềm lực tăng trưởng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu với nhiều sản phẩm chế biến có chất lượng cao và tính thẩm mỹ phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng cả trong và ngoài nước. Đồng thời, cũng rất cần sự quan tâm của Chính phủ và các ngành chức năng để cơ chế chính sách hỗ trợ ngành được thông thoáng, từ đó tạo tiền đề cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ có cơ hội bứt phá hơn trong năm 2019.
Doanh nghiệp ngành gỗ tìm hướng tăng tốc
Rộng đường tăng trưởng
Năm 2018, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu gỗ, lâm sản của Việt Nam cán mốc 9,4 tỷ USD, xuất siêu 7,1 tỷ USD. Trong đó, riêng gỗ và các sản phẩm gỗ đạt giá trị xuất khẩu 8,476 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2017.
Ba nhóm mặt hàng có tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu mạnh nhất gồm viên nén, dăm gỗ và gỗ dán (gỗ ghép). Năm 2018, giá trị xuất khẩu viên nén tăng gần 2 lần, dăm gỗ tăng 1,2 lần, gỗ dán (gỗ ghép) tăng 1,7 lần. Kim ngạch của 3 nhóm mặt hàng này năm 2018 tăng 741,9 triệu USD so với kim ngạch của năm 2017, chiếm 69% trong con số tăng trưởng trong xuất khẩu của tất cả các mặt hàng năm 2018. Năm thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam năm 2018 bao gồm Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Riêng thị trường Mỹ, xuất khẩu gỗ năm 2018 đem về 3,5 tỷ USD, cao nhất trong tất cả các thị trường và chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả Việt Nam, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm 2017. Xuất khẩu gỗ vào Nhật Bản đem lại 1,1 tỷ USD (tăng 13%), tại châu Âu đạt 785 triệu USD, Hàn Quốc gần 938,7 triệu USD; Trung Quốc khoảng 1 tỷ USD.
Xuất khẩu vào các thị trường chủ lực được dự báo tiếp tục giữ phong độ tăng trưởng trong năm 2019, đặc biệt khi Hiệp định CPTPP và EVFTA có hiệu lực.
Cùng với đó, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung được nhìn nhận sẽ đem lại lợi thế cho doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam. Ngành này cũng đặt mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ, lâm sản đạt từ 10,8 – 11 tỷ USD, tăng trưởng 16 – 18% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của Forest Trends, tăng trưởng trong xuất khẩu tiếp tục được duy trì ở mức hai con số trong năm 2019, chủ yếu ở các nhóm sản phẩm gỗ nguyên liệu có tốc độ tăng trưởng lớn trong năm 2018.
Chuẩn bị nguồn lực đón đầu cơ hội
Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Phan Thiên Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Triệu Phú Lộc – doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gỗ vào thị trường Mỹ cho biết, xuất khẩu gỗ vào Mỹ đang có nhiều thuận lợi.
“Sẽ có một khoảng trống tại thị trường Mỹ khi doanh nghiệp Trung Quốc gặp hạn chế trong xuất hàng qua Mỹ. Doanh nghiệp gỗ Việt Nam như chúng tôi đang nỗ lực để tiếp cận và lấp khoảng trống ấy”, ông Hải nói.
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung tạo ra những lợi thế cho Việt Nam thông qua việc mở rộng thị trường, tuy nhiên ngành gỗ cũng sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực. Dự báo sẽ có làn sóng đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, các doanh nghiệp Trung Quốc lựa chọn Việt Nam là quốc gia trung chuyển, xây dựng nhà xưởng, sản xuất sản phẩm xuất đi Mỹ, dẫn đến nguy cơ sản phẩm gỗ xuất xứ từ Việt Nam bị điều tra chống bán phá giá, gian lận thương mại…
Một thách thức khác, theo ông Bùi Như Việt, Giám đốc CTCP Kỹ nghệ gỗ Long Việt, là vấn đề mặt bằng nhà xưởng. Doanh nghiệp gỗ muốn tăng trưởng mạnh cần có mặt bằng nhà xưởng lớn. Hiện nay, để đem về doanh thu 9,4 tỷ USD, nhà xưởng của các doanh nghiệp đã chật kín.
“Cần có thêm khu công nghiệp chuyên cho ngành gỗ mới xây dựng được chuỗi sản xuất, từ đó ứng dụng công nghiệp 4.0 để có sản lượng lớn, số lượng lớn”, ông Việt kiến nghị.
Về thị trường, ngành gỗ đang có nhiều lợi thế. Còn về nguyên liệu, theo CEO Long Việt, có hai nguồn nguyên liệu gồm nguyên liệu rừng trồng trong nước và nguyên liệu nhập khẩu. Hiện nay, nhóm doanh nghiệp ngành gỗ đã thành lập được trung tâm nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài về với giá cạnh tranh nên nguyên liệu không phải là vấn đề lớn.
Một vấn đề doanh nghiệp gỗ cần quan tâm để nâng cao năng lực cạnh tranh là công tác quản trị doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ quản lý để kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất, quá trình kinh doanh.
Bên cạnh đó, mô hình tăng trưởng hiện nay vẫn chủ yếu theo chiều rộng, thông qua việc mở rộng xuất khẩu sản phẩm thô, chứ chưa phải tăng trưởng theo chiều sâu, đi vào các mặt hàng có giá trị gia tăng cao.
Ðể đạt mục tiêu phát triển bền vững, ngành gỗ Việt Nam cần có sự thay đổi cơ bản, chuyển hướng từ xuất khẩu các sản phẩm thô sang các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Ðiều này đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành phải có sự thay đổi đồng bộ, từ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển mẫu mã thiết kế, xây dựng hình ảnh, thương hiệu.
Ngành gỗ xuất khẩu: Doanh nghiệp nội vẫn chịu lép vế
Đầu tư dàn trải, thiếu nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực thấp…đang là những rào cản khiến nhiều doanh nghiệp nội địa mất dần thị phần về tay các doanh nghiệp thuộc khối đầu tư nước ngoài (FDI).
Tiềm năng lớn
Báo cáo “Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ năm 2018: Một năm nhìn lại và xu hướng 2019” vừa được công bố cho thấy, năm 2018, ngành gỗ Việt Nam đã có bước tăng trưởng vượt bậc khi cán mốc 9,4 tỷ USD, xuất siêu 7,1 tỷ USD. Trong đó, riêng gỗ và các sản phẩm gỗ đạt giá trị xuất khẩu 8,476 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2017.
Trong các nhóm mặt hàng, 3 nhóm mặt hàng có tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu mạnh nhất gồm viên nén, dăm gỗ và gỗ dán (gỗ ghép). Kim ngạch của 3 nhóm mặt hàng này năm 2018 tăng 741,9 triệu USD so với kim ngạch của năm 2017, chiếm 69% trong con số tăng trưởng trong xuất khẩu của tất cả các mặt hàng năm 2018.
Ảnh minh họa |
Trong các thị trường xuất khẩu, 5 thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam năm 2018 bao gồm Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc. Riêng thị trường Mỹ, xuất khẩu gỗ năm 2018 đem về 3,5 tỷ USD, cao nhất trong tất cả các thị trường và chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả Việt Nam, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm 2017. Xuất khẩu gỗ vào Nhật Bản đem lại 1,1 tỷ USD (tăng 13%), tại châu Âu đạt 785 triệu USD, Hàn Quốc gần 938,7 triệu USD; Trung Quốc khoảng 1 tỷ USD.
Xuất khẩu gỗ vào các thị trường chủ lực được dự báo tiếp tục giữ phong độ tăng trưởng trong năm 2019, đặc biệt khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sớm có hiệu lực.
Thị phần vẫn nghiêng về FDI
Nhìn lại hơn 3 thập kỷ qua, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tiên đầu tư vào ngành gỗ bắt đầu từ năm 1988, ngay sau khi Luật Đầu tư Nước ngoài lần đầu tiên (1987) có hiệu lực. Đến nay, ngành gỗ đã thu hút được một lượng lớn các doanh nghiệp FDI, với các lĩnh vực hoạt động đa dạng.
Theo Báo cáo “Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực gỗ xuất khẩu Việt Nam”, các doanh nghiệp đến từ Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là các quốc gia có số lượng các dự án đầu tư vào ngành gỗ lớn nhất. Số lượng các doanh nghiệp FDI từ các quốc gia này theo con số đăng kí lần lượt chiếm 25%, 18%, 12% và 8% trong tổng số các doanh nghiệp FDI đăng kí. Số doanh nghiệp FDI của 4 quốc gia này chiếm 63% trong tổng số các doanh nghiệp FDI của toàn ngành gỗ. Về tỉ trọng vốn đầu tư đăng kí, các doanh nghiệp FDI từ 4 quốc gia này có tỉ trọng vốn đăng kí lần lượt là 19%, 8%, 7% và 11%.
Phát biểu tại Hội thảo “Công bố báo cáo thường niên ngành công nghiệp gỗ Việt Nam” diễn ra mới đây, ông Tô Xuân Phúc – đại diện Tổ chức Forest Trends cho biết, hiện nay ngành gỗ có khoảng 867 doanh nghiệp FDI đang hoạt động, với tổng vốn đầu tư khoảng 5,5 tỷ USD. Các doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động trong mảng chế biến đồ gỗ xuất khẩu, tiếp đến là mảng công nghiệp phụ trợ và sản xuất ván.
Tuy nhiên, ông Tô Xuân Phúc nhận định, hiện đang có sự mất cân đối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa trong ngành gỗ khi thị phần vẫn đang nghiêng về phía doanh nghiệp FDI. Cụ thể năm 2018, số doanh nghiệp FDI hoạt động trong ngành gỗ tuy chỉ chiếm tỷ lệ gần 20% nhưng kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 4 tỷ USD, bằng khoảng 47% tổng kim ngạch chung. Trong khi đó, trên 80% số doanh nghiệp Việt Nam còn lại, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt khoảng 53% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.
Ông Tô Xuân Phúc cho rằng, điều này minh chứng cho sự chênh lệch lớn giữa quy mô vốn đầu tư, trình độ khoa học công nghệ, chất lượng lao động và tiếp cận thị trường xuất khẩu sản phẩm của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.
“Khát” nhân lực chất lượng cao
Một trong những thách thức lớn nhất, khiến nhiều doanh nghiệp ngành gỗ trong nước chưa theo kịp được các doanh nghiệp FDI là số lượng còn hạn chế, chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn thấp, chủ yếu là lao động phổ thông. Nhu cầu nhân lực cho ngành này liên tục tăng hàng năm và luôn trong tình trạng “khát” nhân lực.
“Có khoảng 5% lao động có trình độ đại học, trên đại học, công nhân kỹ thuật chiếm khoảng 30%, còn lại là lao động phổ thông. Đây là hạn chế không nhỏ, trong quá trình cạnh tranh của ngành gỗ, khi bước vào giai đoạn công nghiệp hóa hiện nay”, ông Dũng chỉ rõ. Kỹ sư Trần Huy Dũng – Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, Việt Nam đang ở thời kỳ “dân số vàng”, dân số ở độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% là nguồn lao động dồi dào cho tất cả các ngành sản xuất, đặc biệt là ngành gỗ có liên quan đến sản xuất nông lâm nghiệp, nhưng trong thời gian qua, ngành gỗ vẫn thiếu lực lượng lao động chất lượng cao. Thống kê của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho thấy, chỉ tính riêng tỉnh Bình Dương, hiện toàn tỉnh có khoảng 507 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến đồ gỗ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, thu hút khoảng 110.000 lao động. Trong khi đó, nhu cầu nguồn nhân lực ngành gỗ ở Bình Dương hàng năm tăng 11.000 – 15.000 người.
Kết quả nghiên cứu mới đây của Đại học Lâm nghiệp Việt Nam cũng cho thấy, vì lao động phổ thông nhiều nên năng suất ngành gỗ của Việt Nam vẫn còn rất thấp, chỉ bằng 50% so với Philippines, 40% Trung Quốc và 20% Liên minh châu Âu (EU). Cả nước có 5 trường đại học đào tạo chế biến lâm sản với quy mô hàng năm chỉ tuyển 300 sinh viên và 7 trường đào nghề khoảng 600 học viên.
GS.Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp Việt Nam khuyến nghị, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành gỗ cần có 3 giải pháp cơ bản: Tập trung xây dựng các trường Đại học nghiên cứu trọng điểm của quốc gia về lâm nghiệp, đạt trình độ quốc tế; đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành, các nhóm nhân lực trình độ cao; nhanh chóng tổ chức, sắp xếp lại hệ thống các trường của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Ngành gỗ và lâm sản: Lạc quan với mục tiêu 10,5 tỷ USD
Năm 2018 khép lại, XK lâm sản dự báo đạt 9 tỷ USD. Đây cũng được đánh giá là năm bước ngoặt với nhiều sự kiện quan trọng lần đầu tiên được diễn ra với ngành này. Ông Nguyễn Tôn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam- dự báo, XK lâm sản của Việt Nam năm 2019 sẽ đạt con số 10,5 tỷ USD.
Bước ngoặt năm 2018
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, năm 2018 là năm bước ngoặt của ngành lâm sản với các sự kiện nổi bật gồm: Lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ chủ trì một cuộc họp bàn về XK gỗ; nhiều văn bản liên quan đến ngành này ra đời; Việt Nam chính thức tham gia Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Các DN đã nắm bắt được xu hướng của thị trường thế giới, thay đổi rất mạnh mẽ ở 3 lĩnh vực: Công nghệ, trình độ lao động và quản trị.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã tối đa hóa được thế mạnh về nguyên liệu và lao động |
Công ty cổ phần Woodsland (Tuyên Quang) là một ví dụ, khẳng định vị thế trong phát triển nguyên liệu và chế biến gỗ rừng trồng, mới đây, đã đầu tư xây dựng một trung tâm chế biến gỗ tự động hóa từ khâu xẻ, sấy đến xử lý bề mặt với tổng công suất 150.000 m3 sản phẩm/năm tại Cụm công nghiệp Thắng Quân (Yên Sơn – Tuyên Quang). Theo Quyền, 1 cây gỗ tròn xẻ theo công nghệ cũ chỉ tận thu được 50% nhưng với công nghệ mới có thể tận thu 85-90%, tiết kiệm được 40% nguyên liệu . Cùng với đó năng suất lao động cũng tăng cao.
Ở góc độ thị trường XK, ông Tô Xuân Phúc – Chuyên gia Tổ chức Forest Trends – chia sẻ: Các DN Việt Nam đã tối đa hóa được thế mạnh về nguyên liệu và lao động, thị trường chính được mở rộng, XK rất mạnh vào thị trường Mỹ. Dự kiến Việt Nam XK sang thị trường này 3 tỷ USD năm 2018.
Là DN chuyên XK sang thị trường Mỹ, ông Điền Quang Hiệp – Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2 có trụ sở ở Bình Dương – cho hay, đây là giai đoạn thuận lợi cho DN XK vào thị trường Mỹ. Năm 2018, DN đạt chỉ tiêu XK 20 triệu USD sang thị trường này, dự kiến năm 2019 sẽ đạt 22 triệu USD.
Cơ hội mở rộng
Nhận định về thị trường XK năm 2019, ông Nguyễn Tôn Quyền cho rằng, không quá kỳ vọng vào thị trường EU do tỷ trọng XK không lớn, 1 năm EU chỉ nhập khẩu 700 – 800 triệu USD từ Việt Nam, chiếm khoảng 10% XK. Trong khi đó, Trung Quốc chiếm tỷ trọng XK nhiều nhưng chủ yếu là sản phẩm thô. Thị trường được kỳ vọng là Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ.
Phân tích kỹ hơn thị trường Nhật Bản, ông Nguyễn Tôn Quyền cho hay, với chính sách mới, theo ước tính, mỗi năm Nhật Bản cần 50 triệu tấn viên nén nhiên liệu. Hiện Nhật Bản đang ồ ạt sang Việt Nam đầu tư với 3 nhà máy viên nén nhiên liệu tại Nghệ An.
Đối với thị trường Hàn Quốc, theo ông Nguyễn Tôn Quyền, những năm gần đây, tăng trưởng XK của Việt Nam sang thị trường này có bước tiến rất nhanh và đều. Tương lai ở thị trường này còn phát triển hơn nữa. Hàn Quốc có nhu cầu về dăm làm giấy, viên nén nhiên liệu, gỗ tinh chế, đặc biệt là ván nhân tạo.
Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu trong XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam với tỷ trọng khoảng 35-38%. Dự kiến năm 2019, XK gỗ của Việt Nam sẽ đạt 4 tỷ USD.
Làm ăn nhiều năm với thị trường Mỹ, ông Điền Quang Hiệp chia sẻ, việc đáp ứng được các tiêu chuẩn sản phẩm XK đi Mỹ là không dễ dàng. Mỗi năm đều có các đoàn công tác của Mỹ tới công ty kiểm tra, để đảm bảo công ty hoạt động theo đúng tiêu chuẩn sản xuất hàng hóa vào thị trường Mỹ. Trong những lần kiểm tra này, phía Mỹ đặc biệt lưu ý các yếu tố liên quan đến môi trường lao động, mức độ bụi trong phạm vi cho phép, không sử dụng lao động dưới 17 tuổi, thậm chí tính cả tỷ lệ phòng vệ sinh đáp ứng cho người lao động…
Theo các chuyên gia, tính hệ thống, nguyên tắc và sự tuân thủ là những “nút thắt” lớn nhất đối với DN Việt khi đưa sản phẩm gỗ nội thất vào Mỹ. Đặc biệt, sự thiếu liên kết giữa các DN, là vấn đề lớn làm cho DN không tận dụng được hết cơ hội mang lại.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2019 tiếp tục tăng, vì sản phẩm gỗ Việt đang được nhiều nhà nhập khẩu lớn quan tâm, nhất là Mỹ, do nhu cầu đồ nội thất của quốc gia này thường tăng mạnh vào cuối năm. |
Thị trường Hoa Kỳ: Điểm đến của gỗ Việt
Hoa Kỳ vẫn là thị trường quan trọng nhất của ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam. Tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là giải pháp quan trọng nhằm nâng tầm ngành này trong thời gian tới.
6 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu lâm sản ước đạt gần 5,3 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 50% kế hoạch năm. Trong đó, 87% giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam là các thị trường truyền thống có yêu cầu cao như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu…
Sản phẩm gỗ Việt Nam có chất lượng cao, được thị trường Hoa Kỳ ưa chuộng |
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hoa Kỳ hiện là thị trường nhập khẩu số 1 về gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, chiếm 45% tổng giá trị xuất khẩu của ngành với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 15-17%/năm. Riêng 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ sang Hoa Kỳ đã đạt 1,839 tỷ USD, tăng 34,98% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm tới 46% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành.
Không chỉ là thị trường nhập khẩu chủ lực, ở chiều ngược lại, Hoa Kỳ còn là nhà cung cấp gỗ nguyên liệu số 1 cho Việt Nam. 5 tháng đầu năm, nhập khẩu gỗ đạt 138,490 triệu USD, ứng với lượng cung trên 420,62 nghìn m3 gỗ quy tròn, tăng 24,9% về giá trị và 19% về lượng so với cùng kỳ 2018.
Chia sẻ tại hội nghị về xuất khẩu gỗ mới đây, ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam – nhận định, Hoa Kỳ là quốc gia có diện tích rừng lớn bậc nhất trên thế giới và có sản lượng khai thác không dưới 300 triệu m3 gỗ/năm. Gỗ nguyên liệu của Hoa Kỳ luôn đảm bảo có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, hợp pháp, chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh. Gỗ Hoa Kỳ luôn là lựa chọn hàng đầu đối với các nhà nhập khẩu Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các thị trường nhập khẩu sản phẩm gỗ ngày càng khắt khe với nguồn gốc gỗ nguyên liệu.
Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, mục tiêu Chính phủ đặt ra cho ngành gỗ và lâm sản là xuất khẩu đạt 11 tỷ USD trong năm 2019. Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ cam kết đồng hành, tạo điều kiện cho các DN và trong sự phát triển này rất cần sự phối hợp của Hoa Kỳ, đặc biệt là các DN nước bạn trong cung ứng nguồn nguyên liệu. “Ngành công nghiệp gỗ Việt Nam sẽ hướng tới minh bạch, áp dụng quy trình sản xuất tốt để bảo đảm sự phát triển bền vững” – Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Luật Lâm nghiệp của Việt Nam và Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và châu Âu đã có hiệu lực trong năm 2019 để đảm bảo tính hợp pháp và bền vững của các sản phẩm gỗ. Ông Robert Hanson – Tham tán nông nghiệp, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội – cho biết, Việt Nam là điểm đến số 1 đối với xuất khẩu gỗ cứng của Hoa Kỳ ở khu vực Đông Nam Á. Xuất khẩu gỗ cứng của Hoa Kỳ sang Việt Nam năm 2018 đã tăng 17,5% so với năm 2017.
Gỗ cứng Hoa Kỳ đã và đang khẳng định tầm quan trọng đối với ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam. Hiện gỗ cứng của Hoa Kỳ xuất khẩu vào Việt Nam chiếm khoảng 1/8 nhu cầu, tiềm năng còn rộng mở. |
Xuất khẩu gỗ và lâm sản 6 tháng đầu năm tăng trưởng vượt bậc
Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 6 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 5,23 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 50% kế hoạch năm. Ước cả năm 2019, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt khoảng 11 tỷ USD.
Sáng ngày 5/7, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019.
Xuất siêu gần 4 tỷ USD
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, năm 2019 là một năm thức thách rất lớn với ngành nông nghiệp, thách thức này đã được Bộ nhân diện từ cuối năm 2018. Riêng với ngành lâm nghiệp, đây là thời kỳ bước ngoặt, từ một nước chỉ còn khoảng 20% hệ số che phủ rừng, tới nay đã khôi phục đạt gần 43%, đặc biệt, từ ngành lâm nghiệp đã chuyển thành nền kinh tế lâm nghiệp thông qua Luật Lâm nghiệp.
Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 6 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 5,23 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 50% kế hoạch năm. Ước cả năm 2019, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt khoảng 11 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 1,25 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, ngành gỗ và lâm sản xuất siêu ước khoảng gần 4 tỷ USD. Điểm đến của 87% giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam là các thị trường truyền thống (Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc) có yêu cầu khắt khe về chất lượng, mẫu mã sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ.
Như vậy, ngành gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam tiếp tục khẳng định uy tín trên thị trường quốc tế; duy trì vị trí đứng đầu Đông Nam Á, thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Bên cạnh việc xuất khẩu đến trên 120 quốc gia trên thế giới, đồ gỗ Việt Nam đang quay lại thị trường nội địa, gắn kết chặt chẽ giữa người làm nghề rừng, doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo động lực trực tiếp cho sản xuất lâm nghiệp, hình thành chuỗi liên kết đúng theo tinh thần Luật Lâm nghiệp 2017.
Xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2019 ước đạt 11 tỷ USD, qua đó góp phần giải quyết việc làm, giảm bớt áp lực tăng trưởng cho lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng, xuất khẩu chung của cả ngành.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngoài lợi thế với khoảng 4.500 doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ, Việt Nam cũng đang còn rất nhiều tiểm năng về dược liệu, có thể thu về tỉ đô nếu biết quản lý khai thác, đây là hướng mà ngành lâm nghiệp cần xác định để chuyển trạng thái để có được bước phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp.
“Đặc biệt, với việc một loạt hiệp định thương mại thế hệ mới đã được thông qua, vấn đề nguyên liệu và nguồn gốc gỗ hợp pháp là điều tất yếu trong xu thế hội nhập của ngành lâm nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm.
Kiên quyết không để gian lận xuất xứ trong ngành gỗ
Để duy trì đà tăng trưởng, thúc đẩy xuất khẩu gỗ và lâm sản, ông Phạm Văn Điển – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiêp – cho hay, 6 tháng cuối năm 2019, toàn ngành sẽ tiếp tục tháo gỡ rào cản thương mại, chủ động gặp gỡ, làm việc và đàm phán mở cửa thị trường và tháo gỡ các khó khăn trong xuất nhập khẩu gỗ và sản phấm gỗ từ Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc; cung cấp thông tin về ngành chế biến gỗ Việt Nam và các quy định của Việt Nam về gỗ hợp pháp.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng sẽ tăng cường hợp tác bằng các biên bản ghi nhớ đa phương, song phương; chủ động cung cấp thông tin pháp lý, thông tin thị trường gỗ và lâm sản trên toàn cầu để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gỗ Việt Nam. Chuẩn bị sẵn sàng thực hiện Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU, cùng cam kết hợp tác để giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp, phát triển bền vững ngành gỗ. Phát triển thị trường nội địa. Đồng hành cùng các doanh nghiệp để đưa Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
Ông Hà Công Tuấn – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – nhấn mạnh, cần bám sát Hiệp định VPA/FLEGT, phải phân công người chịu trách nhiệm cụ thể. Trước tình hình chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp theo dõi, báo cáo với Bộ hàng tuần, báo cáo cụ thể về các vấn đề liên quan. Ngành gỗ là ngành xuất siêu lớn nhất trong ngành nông nghiệp, chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, do đó, dứt khoát và kiên quyết không để gian lận xuất xứ trong ngành gỗ. “Tổng cục Lâm nghiệp cần nắm tình hình để tham mưu cho Bộ, Bộ sẽ trình Chính phủ chỉ đạo các địa phương về vấn đề thu hút đầu tư của nước ngoài vào ngành gỗ Việt Nam”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Xuất khẩu lâm sản duy trì đà tăng trưởng mạnh
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu lâm sản tăng đều liên tiếp trong 6 tháng qua. Ước giá trị xuất khẩu lâm sản 6 tháng năm 2019 đạt gần 5,3 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 50% kế hoạch năm.
Theo đó, 6 tháng năm 2019, lâm sản xuất siêu ước khoảng 4,03 tỷ USD. Điểm đến của 87% giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam là các thị trường truyền thống có yêu cầu cao gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc. Uy tín của đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam ngày càng tăng trên thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Quốc Trị – Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp – cho hay, 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp nói chung và lâm nghiệp nói riêng gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp, còn những điểm nóng về phá rừng, nhận thức của người dân về giá trị và hiệu quả kinh tế của việc kinh doanh trồng rừng gỗ lớn vẫn còn hạn chế… Tuy nhiên, ngành lâm nghiệp đã đi được nửa chặng đường khó khăn và đạt được những kết quả khả quan. Dự kiến, 6 tháng cuối năm sẽ có nhiều thuận lợi cho xuất khẩu lâm sản khi các doanh nghiệp đã có sẵn các đơn hàng xuất khẩu. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu lâm sản năm 2019 sẽ đạt con số 11 tỷ USD.
6 tháng năm 2019 xuất khẩu lâm sản ước đạt gần 5,3 tỷ USD |
Cùng theo ông Nguyễn Quốc Trị, đến nay, Việt Nam vẫn giữ vững vị trí đứng đầu Đông Nam Á, thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới về xuất khẩu lâm sản. Bên cạnh việc xuất khẩu đến 120 quốc gia trên thế giới, đồ gỗ và lâm sản đang quay lại thị trường nội địa, tạo khởi sắc, mang lại động lực cho sản xuất phát triển, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất lâm nghiệp.
Cùng với xuất khẩu lâm sản, 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã trồng được 108.456 ha rừng, bằng 51% kế hoạch năm, bằng 102% so với cùng kỳ năm ngoái. Đã có 85% diện tích rừng trồng tập trung có kiểm soát và chứng nhận nguồn gốc lô cây con. Khai thác rừng trồng tập trung toàn quốc ước khoảng 105 nghìn ha, sản lượng ước đạt 9,7 triệu m3, tăng 4,86% so với cùng kỳ năm 2018. Nguồn nguyên liệu trong nước đang tiếp tục được nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu của ngành công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu. Dịch vụ môi trường rừng đã thu được 1.163 tỷ đồng, đạt 36,5% kế hoạch thu năm 2019, bằng 107% so với cùng kỳ năm 2018.
Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản chính thức có hiệu lực từ 1/6/2019 là dấu mốc khởi đầu cho việc Việt Nam và EU cùng cam kết hợp tác để giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và EU, phát triển bền vững ngành chế biến gỗ. Đến nay, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững là 237.386 ha.
Ông Nguyễn Quốc Trị cho hay, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019 của ngành lâm nghiệp là sẽ đôn đốc chỉ đạo các địa phương hoàn thành các mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2019, đặc biệt là quản lý, bảo vệ, phát triển rừng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có và quỹ đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp, phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu năm 2019 như: Giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 10,5 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%. Tập trung triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp.
Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành lâm nghiệp phải thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng diện tích rừng. Duy trì cung cấp thông tin cảnh báo cháy rừng hàng ngày về thông tin điểm cháy để kiểm tra, phát hiện, xử lý. Triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu. Trong đó, tập trung phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp.
Ngành gỗ Bình Dương: Đầu tư đổi mới công nghệ nâng cao năng lực xuất khẩu
Bình Dương được xem là trung tâm của ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam. Để đứng vững và mở rộng thị trường xuất khẩu, ngành gỗ của Bình Dương đã và đang đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực xuất khẩu.
Thuận lợi và thách thức đan xen
Ngành chế biến gỗ chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp Bình Dương và có tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian qua. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu ngành chế biến gỗ của Bình Dương đạt hơn 4 tỷ USD, chiếm 14,7% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh và chiếm 54,8% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ cả nước. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu ngành chế biến gỗ của Bình Dương đạt hơn 3,2 tỷ USD, là địa phương đứng đầu cả nước về xuất khẩu.
Bình Dương hiện được xem là trung tâm của ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam |
Năm 2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực. Khi tham gia vào CPTPP, ngành gỗ của Việt Nam có cơ hội tiếp tục thâm nhập sâu hơn vào thị trường các nước thành viên khi thuế xuất nhập khẩu về 0%. Đây là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp (DN) gỗ Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng có nhiều cơ hội phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh hơn nữa. Ngành gỗ sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam theo định hướng của Chính phủ.
Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), CPTPP chính thức có hiệu lực đã mở ra cơ hội mới cho ngành gỗ Việt Nam mở rộng thị trường, khi thuế suất gần như bằng 0% tại 11 nước thành viên CPTPP. Còn việc tham gia VPA/FLEGT với EU sẽ mở rộng cửa cho xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang thị trường này, do các nước châu Âu có quy định rất khắt khe về nguồn gốc xuất xứ gỗ. Bên cạnh đó, khi CPTPP có hiệu lực sẽ giúp DN trong nước mua máy móc, thiết bị và công nghệ từ các quốc gia phát triển như: Nhật Bản, Canada… thuận lợi hơn khi thuế hạ xuống, để đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm.
Một thuận lợi khác cho các DN xuất khẩu gỗ là khi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc đang leo thang. Chính quyền Tổng thống Donald Trump bắt đầu tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 10/5/2019. Trước đó, trong danh sách các mặt hàng của Trung Quốc dự kiến bị Mỹ áp thuế nhập khẩu bổ sung có mặt hàng gỗ, nội thất. Như vậy, nếu hàng Trung Quốc bị đánh thuế, các nhà nhập khẩu Mỹ nhiều khả năng sẽ đi tìm nguồn hàng khác, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội lớn cho các DN của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ trong thời gian tới.
Đáng chú ý, trong 4 tháng đầu năm 2019 trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ tăng rất mạnh, đạt 1,4 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2018. Hiện Mỹ là một trong những thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, cơ hội này đi kèm với không ít thách thức đối với DN gỗ trong nước. “Thách thức lớn mà ngành gỗ phải đối mặt là dòng vốn đầu tư vào ngành gỗ từ Trung Quốc sang Việt Nam tăng mạnh sẽ khiến mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có thể phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Cơ quan Thương mại Mỹ khi xuất khẩu vào thị trường này trong thời gian tới. Bên cạnh đó, khi dòng vốn đổ vào thị trường Việt Nam thì sức cạnh tranh về giá cả của gỗ thành phẩm sẽ khốc liệt hơn” – ông Lê Văn Minh, Phó Chủ tịch BIFA cho hay.
Doanh nghiệp gỗ Bình Dương đang tập trung đầu tư đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực xuất khẩu |
Đầu tư đổi mới công nghệ tăng năng lực cạnh tranh
Những năm qua, ngành công nghiệp Việt Nam trong đó có ngành gỗ tạo ra sự cạnh tranh nhờ vào nhân công giá rẻ. Tuy nhiên hiện nay nhân công không còn dễ tìm vì sự cạnh tranh của ngành nghề khác đặc biệt là DN nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Trong khi khách hàng luôn đòi hỏi sản phẩm có mẫu mã đẹp hơn nhưng giá cả tăng rất ít hoặc không thay đổi, tạo áp lực cải tiến rất lớn cho ngành gỗ hiện nay.
Thị trường quốc tế đang rộng mở, để nắm bắt cơ hội này, hiện các DN gỗ Bình Dương đang thay đổi tư duy quản lý theo mô hình chuyên nghiệp, đầu tư công nghệ để nâng cao năng suất lao động, để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo Bà Dương Thị Tú Trinh, Giám đốc Công ty Máy chế biến gỗ Thượng Nguyên (Bình Dương), để đứng vững và mở rộng thị trường xuất khẩu công ty đã mạnh dạn đầu tư trang bị máy móc công nghệ sản xuất hiện đại, theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Việc đầu tư máy móc công nghệ này sẽ giúp công ty nâng cao năng suất lao động, gảm thiểu lao động chân tay… từ đó tạo ra nhiều sản phẩm kết cấu, mẫu mã mới, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi ngày càng khó tính của thị trường, nhất là đối với mặt hàng cao cấp về chất lượng và mỹ thuật.
Như vậy, các DN cần đầu tư nhiều hơn cho thiết kế cũng như trang bị thêm công nghệ để tăng lợi thế cạnh tranh, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. “Đầu tư công nghệ, đổi mới quản trị hiện nay đã và đang là xu hướng sống còn đối với các DN ngành gỗ Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng. Bên cạnh đó, các DN cần chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm của người lao động, quan tâm tốt hơn đời sống của người lao động để họ gắn bó lâu dài với DN” – Phó Chủ tịch BIFA nhấn mạnh.
Theo Sở Công Thương Bình Dương, hiện Bình Dương có 1.215 DN chế biến gỗ đang hoạt động, trong đó có 905 DN trong nước, 310 DN nước ngoài. Tổng số lao động làm việc trong lĩnh vực này khoảng hơn 250.000 lao động, trong đó lao động giản đơn theo mùa vụ chiếm 45%. |
“Kế hoạch 11 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2019 là thấp”!
“Kế hoạch 11 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2019 là thấp” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại Diễn đàn Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 – Thành công, bài học kinh nghiệm; giải pháp bứt phá năm 2019 diễn ra sáng 22/2.
Tham dự Diễn đàn có khoảng 600 đại biểu là đại diện các bộ, ngành Trung ương, địa phương; một số Đại sứ quán, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, tổ chức chính trị xã hội; các Hiệp hội và trên 300 doanh nghiệp (DN) chế biến XK gỗ và lâm sản.
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn |
Việt Nam vươn lên đứng thứ 5 về XK gỗ
Theo số liệu thống kê mới nhất, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu (XK) gỗ và lâm sản Việt Nam vượt ngưỡng 9,3 tỷ USD, chiếm trên 25% kim ngạch XK của ngành nông nghiệp, xuất siêu trên 7,1 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về XK gỗ và lâm sản. Thị trường XK được mở rộng với hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, đáp ứng thị hiếu phong phú của người tiêu dùng với các mặt hàng chủ yếu là đồ gỗ nội thất chất lượng cao, sản phẩm đồ gỗ ngoại thất.
Đến nay, cả nước có 4.500 doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ và lâm sản, trong đó 95% là DN tư nhân, 3,5% DN có vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng. Số DN chế biến, sản phẩm XK trên 1.800 DN, tăng hơn 300 DN so với năm 2017. Nhiều DN đã quan tâm đầu tư, nghiên cứu và đưa vào ứng dụng, sản xuất, cung ứng thiết bị máy móc, sản phẩm phụ trợ thay thế hàng nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng.
Ông Nguyễn Quốc Khanh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng kiến trúc AA – nhận định: Thương hiệu có thể làm tăng giá trị của công ty lên gấp vài lần, thậm chí là hơn 50 lần. Tuy nhiên, thương hiệu của các DN trong ngành gỗ còn rất yếu. Đã đến lúc DN Việt cần thay đổi tư duy kiếm tiền bằng sự cần mẫn trong sản xuất, lấy công làm lời mà cần phải xây dựng thương hiệu cho riêng mình. Và việc này đòi hỏi một quá trình bền bỉ. Muốn thế, thương hiệu phải được xây dựng trên những giá trị cốt lõi và nói lên được bản sắc của DN. Sự hài lòng của khách hàng là tài sản quan trọng, là yếu tố cốt lõi làm nên giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.
Diễn đàn thu hút khoảng 600 đại biểu đến từ các Bộ, ban ngành, DN |
Không có DN, bất thành sản xuất
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, mức tăng trưởng trên 800% trong thời gian hơn 10 năm qua là một kết quả rất đáng biểu dương, thể hiện thành quả của sự cố gắng nỗ lực không ngừng, tinh thần làm việc say mê sáng tạo của cộng đồng các DN chế biến gỗ và lâm sản.Chế biến, XK gỗ và lâm sản đã trở thành ngành hàng có giá trị XK chủ lực và là một trong ít ngành hàng đem lại giá trị xuất siêu cao của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, thành quả là không chỉ kim ngạch XK vượt kế hoạch, XK tới trên 120 địa bàn quốc gia và lãnh thổ, đứng đầu ASEAN, thứ 2 châu Á, 5 thế giới. Không chỉ số lượng, Thủ tướng cũng đề cập tới thành quả là ngành gỗ có sản phẩm thiết kế, mẫu mã tốt, được thị trường khó tính chấp nhận. Việc chuyển giao công nghệ tư các viện, trường, nhà nghiên cứu đến với thị trường XK bước đầu rất tốt. “Làm thị trường lớn toàn cầu mà không nghiên cứu khoa học thì khó phát triển bền vững” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ cũng cho hay, chúng ta đang đứng trên đôi chân của mình. Các sản phẩm gỗ tiêu dùng Việt Nam phần lớn có nguyên liệu từ gỗ rừng trồng, hạn chế gỗ nhập khẩu, nghiêm cấm khai thác gỗ rừng trồng tự nhiên. So với năm 2005, chúng ta đã tăng lên 800 lần, là kết quả đáng ghi nhận.
Thủ tướng tìm hiểu về chất lượng sản phẩm gỗ của DN |
Tuy vậy, là nước nông nghiệp nhiệt đới, một nước tam sơn tứ hải nhưng mới chiếm 6% thị phần của thế giới nhưng sản phẩm, sự đa dạng, hấp dẫn sản phẩm đồ gỗ còn khiêm tốn. Đặc biệt, quy mô phát triển, tầm cỡ DN, số lượng có nhưng chất lượng còn nhiều vấn đề. Do đó, phải tiếp tục chỉ đạo tốt hơn nữa về số lượng, chất lượng tăng trưởng bền vững cho chế biến, XK gỗ của năm 2019 và các năm tiếp theo.
Tại Diễn đàn này, Thủ tướng đem theo một số câu hỏi lớn để ngành tìm câu trả lời cho chính mình và đất nước.
Thứ nhất, năm nay chúng ta kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc bác Hồ, trong đó có việc mà cả nước đã làm là phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác. Một tinh thần mùa xuân là Tết trồng cây làm cho đất nước càng ngày càng xuân. Cái cốt lõi là phát triển nghề trồng rừng. Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT thảo luận Bộ Tài chính tìm ra phương thức hỗ trợ cho các tỉnh có đất trồng rừng để trồng. Mỗi công dân trồng một cây mới, phương thức nào để có đủ giống, đủ đất. Để tỷ lệ phủ xanh đất đồi trọc không chỉ 42% mà còn cao hơn.
Thứ hai, Thủ tướng đặt hàng với ngành Nông nghiệp, trong 10 năm tới Việt Nam phải lọt nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, là trung tâm hàng đầu về chế biến, XK gỗ hàng đầu thế giới. Hiện, thị phần XK của Việt Nam mới chỉ chiếm 6%, trong khi thị phần toàn thế giới đồ gỗ là 430 tỷ USD nội thất, 150 tỷ USD ngoại thất. Vậy đến năm 2030, chúng ta sẽ đạt được 30% hay 50% thị phần và làm thế nào để đạt được mục tiêu này? Đây là câu hỏi lớn, chiến lược lớn.
Ngoài ra, những câu hỏi như đất ở đâu để trồng rừng, trồng cây gì để hiệu quả tốt nhất, thiết kế nội thất thế giới sẽ theo xu hướng nào? Các địa phương cần phải trả lời. Trồng rừng, chế biến XK gỗ là điều mà tỉnh nào cũng làm được, chỉ có điều nghiên cứu, phân công sao cho hợp lý. Ngành cần nhận diện rõ tiềm năng, nắm bắt thời cơ để phát triển bền vững. Về cơ chế chính sách, chúng ta có nhiều DN gỗ nhưng chưa có DN lớn, hình thành chuỗi giá trị quy mô lớn. Không có DN bất thành sản xuất!
Bên cạnh những thành công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ngành gỗ vẫn còn nhiều bất cập, chưa ổn định và cần có tính toán dài hơi hơn với các nước để phát triển thị trường, chứ không nhập nhoạng, không ổn định như hiện nay. “Ngành gỗ vào thị trường khó tính còn ít. Chúng ta phải bám vào FTA đã có và sắp tới ký để triển khai các thị trường chủ lực” – Thủ tướng đề nghị.
Vấn đề nữa được Thủ tướng đưa ra đó là xây dựng thương hiệu DN và thương hiệu quốc gia chưa được quan tâm đúng mức. Có nhiều DN, nhưng việc XK còn thông qua đối tác nước ngoài nên hiệu quả, giá trị được nhận còn thấp.
Thủ tướng đề cập, năm nay, kế hoạch đạt 11 tỷ USD kim ngạch XK là thấp quá? Câu hỏi bao nhiêu, giải pháp ra sao, ngành phải vượt mức, đóng góp vào sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam bao nhiêu phải có câu trả lời. “Làm thế nào biến Việt Nam trở thành công xưởng XK đồ gỗ thế giới. Một câu hỏi lớn, chứ không phải kim ngạch XK trên dưới 10 tỷ USD mà chúng ta đã thoả mãn rồi, đó là thỏa mãn non”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cuối cùng, ngành cần tiếp tục chú ý công tác thiết kế mẫu mã, nghiên cứu khoa học ở viện, trường. Không có khoa học bất thành chế biến lâm sản. Người đứng đầu Chính phủ cam kết tiếp tục lắng nghe những ý kiến góp ý, kiến nghị của cộng đồng DN, doanh nhân, Hiệp hội ngành hàng để các Bộ, ngành, chính quyền các cấp tiếp tục quyết liệt hành động đổi mới tư duy, nhận thức để đồng hành với DN đạt được mục tiêu, khát vọng phát triển ngành chế biến gỗ lâm sản nhanh, hợp pháp và bảo vệ môi trường bền vững.
Ngành gỗ Bình Dương tìm giải pháp phát triển bền vững
Dù kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng đều đặn từ 10-12%/năm song ngành chế biến gỗ Bình Dương vẫn đang gặp không ít thách thức và cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể để có thể bứt phá hơn trong thời gian tới.
Để ngành gỗ Bình Dương bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp rất cần các cơ chế hỗ trợ từ các Bộ, ngành, địa phương |
Xuất khẩu duy trì mức tăng trưởng 2 con số
Đánh giá về sự phát triển của ngành gỗ Bình Dương, ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương- cho biết, tỉnh Bình Dương tập trung nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ, bao gồm cả doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước và FDI với số lượng hơn 600 doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trung bình hàng năm đạt trên hai con số, khoảng từ 10 – 15%.
Các thống kê của Sở Công Thương Bình Dương cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2018, ngành gỗ Bình Dương xuất khẩu đạt trên 1,5 tỷ USD (kim ngạch cả nước là 4,8 tỷ USD trong 7 tháng). Hầu hết các mặt hàng gỗ xuất khẩu đều đạt mức tăng trưởng từ 10 – 12% so với cùng kỳ, đặc biệt mặt hàng gỗ xây dựng và đồ nội thất nhà bếp đạt tốc độ tăng trưởng mạnh vào một số thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo ông Huỳnh Quang Thanh, việc xuất khẩu gỗ của Bình Dương giữ nhịp tăng trưởng tốt là do có nhiều thuận lợi. Cụ thể, sau khi Hoa Kỳ áp thuế chống phá giá đối với mặt hàng đồ gỗ của Trung Quốc, giá nhập khẩu hàng Trung Quốc tăng cao, khiến các đơn hàng đồ gỗ của Mỹ chuyển sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam hiện nay đã trở thành một địa chỉ mua hàng đáng tin cậy của các thị trường Bắc Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Trung Đông,… Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương đã có những chính sách sự thu hút đầu tư nước ngoài trong đó có ngành chế biến đồ gỗ, do đó kéo theo sự phát triển của ngành chế biến gỗ nói chung.
Cần cơ chế để bứt phá
Mặc dù vậy, ông Thanh cũng chỉ ra những thách thức mà ngành gỗ Bình Dương đang gặp phải như: Tình hình giá nguyên liệu gỗ, giá các phụ kiện ngành gỗ biến động khó lường theo chiều hướng tăng cao, có khi tăng đột biến ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Do hầu hết các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô sản xuất trung bình và khá phân tán, thiếu chuyên môn hoá và tập trung hoá, dẫn đến khả năng tiếp cận trực tiếp khách hàng hạn chế, khả năng tiếp nhận những đơn hàng lớn khó khăn làm giảm sức cạnh tranh cũng như đảm bảo tính ổn định của sản xuất. Thêm vào đó, ngành chế biến gỗ chưa phát triển mạnh về kỹ năng thiết kế, phát triển mẫu mã sản phẩm mới, đáp ứng sự thay đổi thị hiếu của thị trường và còn bị động trong việc tiếp cận trực tiếp nhu cầu của thị trường thế giới…
Trước những thách thức kể trên, ngành chế biến gỗ Bình Dương đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng như: Thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, tham gia hội chợ đồ gỗ lớn trên thế giới như ở Mỹ, các nước Châu Âu và Nhật Bản và Trung Đông. Mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại, tự động hoá và số hoá từ các nước như Mỹ, Đức, Italia…
Ngoài các giải pháp trên, Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương kiến nghị Chính Phủ có cơ chế chính sách thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cho ngành chế biến gỗ Việt Nam. Cụ thể là xây dựng một chương trình xúc tiến thương mại quốc gia cho ngành gỗ, giúp doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với các thị trường mục tiêu, phấn đấu hướng đến phát triển thương hiệu riêng của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ và thúc đẩy nhanh, hình thành khu công nghiệp tập trung cho ngành chế biến gỗ tại Bình Dương. Qua đó giúp các doanh nghiệp chế biến gỗ đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo hướng chuyên môn hoá, tập trung hoá, gia tăng liên kết chuỗi giữa các doanh nghiệp sản xuất chế biến sản phẩm gỗ, giúp giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm gỗ Việt Nam, thu hút nhiều khách hàng trên thế giới. Khu công nghiệp này đã có chủ trương của Chính Phủ nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được do thiếu quỹ đất.
Ba giải pháp cung ứng nguyên liệu gỗ phục vụ xuất khẩu cho gỗ Việt
Nguồn gỗ nguyên liệu từ trồng rừng của Việt Nam hoàn toàn có thể cung ứng được cho các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước, nếu 3 nhóm giải pháp: mở rộng diện tích rừng trồng; nâng cao năng suất rừng và chất lượng cây gỗ; và sử dụng nguyên liệu gỗ có hiệu quả – bền vững, được thực hiện đồng bộ.
70% nguồn nguyên liệu gỗ đang sử dụng từ nội địa
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) – ông Nguyễn Tôn Quyền- cho biết, tổng lượng gỗ quy tròn ngành công nghiệp chế biến gỗ sử dụng qua các năm đều tăng. Năm 2015 là trên 32 triệu m3, năm 2016 đã sử dụng trên 34 triệu m3 và năm 2017 đã sử dụng 38,4 triệu m3 gỗ quy tròn.
Về nguồn cung, hiện ngành gỗ sử dụng từ hai nguồn chính gồm gỗ nhập khẩu và gỗ nội địa. Cụ thể, trong giai đoạn 2015 – 2017, trung bình Việt Nam nhập khẩu trên 8.000.000 m3 gỗ quy tròn/năm từ các nước Mỹ, Canada, Châu Âu, Brazil, Nam Phi… Về gỗ trong nước, trong giai đoạn 2015 – 2017, tổng nguồn cung gỗ rừng trồng, gỗ cao su thanh lý, gỗ vườn rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp đạt 22.729.270 năm 2015 và 25.699.393 năm 2017.
Đầu tư cho trồng rừng bằng mô hình liên kết giữa danh nghiệp với các hộ nông dân trồng rừng là giải pháp bền vững để có nguồn cung gỗ chất lượng. |
Từ đó cho thấy, gỗ nhập khẩu để sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu chỉ chiếm dưới 30% (tương đương với hơn 8 triệu m3). Trong đó nguồn gỗ trong nước đã cung ứng cho chế biến gỗ xuất khẩu chiếm trên 70% (tương đương với trên 21 triệu m3). Điều này khẳng định, lượng cung gỗ trong nước đã và đang từng bước đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu với khối lượng ngày càng lớn.
Đáng mừng hơn, các tổ chức, cá nhân cung ứng nguồn gỗ trong nước đã và đang tích cực đầu tư cho trồng rừng, hình thành các chuỗi cung ứng nguyên liệu gỗ khác nhau (chuỗi cung ứng gỗ rừng trồng; chuỗi cung ứng gõ cao su; chuỗi cung ứng gỗ vườn nhà, cây phân tán…).
Cần cơ chế để thúc đẩy phát triển nguồn nguyên liệu gỗ nội địa
Mặc dù vậy, theo phân tích của VIFORES, trừ gỗ cao su, gỗ vườn nhà, còn lại gỗ rừng trồng chủ yếu là gỗ có đường kính nhỏ, năng suất thấp và chất lượng không cao. Khối lượng gỗ lớn nhưng số lượng dùng để chế biến đồ gỗ nội, ngoại thất thì rất nhỏ. Năm 2017, tổng sản lượng gỗ rừng trồng là 17 triệu m3 thì dăm mảnh xuất khẩu chiếm 11 triệu m3, gỗ bóc và các sản phẩm khác là 2,6 triệu m3; các loại ván công nghiệp là 1,7 triệu m3. Còn lại chỉ có hơn 2 triệu m3 cho sản xuất đồ gỗ xuất khẩu nội, ngoại thất. Các nút thắt này làm giảm giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm và kém cạnh tranh cho sử dụng gỗ rừng trồng trong nước.
Trong khi đó, đối với gỗ cao su thì sản lượng khai thác có hạn. Diện tích cây cao su đã định hình khoảng gần 1 triệu ha. Mỗi năm thanh lý trên dưới 15.000 ha, do đó lượng gỗ cao su cung cứng chỉ đáp ứng tối đa không quá 5 triệu m3/năm. Đối với gỗ keo do một số giống keo đang có nguy cơ giảm về năng suất và chất lượng. Vì vậy, rất cần thiết có kế hoạch đầu tư dài hạn, liên tục để nghiên cứu bổ sung thêm một số giống cây trồng nhằm cung cấp gỗ lớn cho ngành công nghiệp chế biến gỗ có chất lượng.
Để có sản phẩm gỗ đưa ra thị trường đáp ứng yêu cầu khách hàng rất cần nguồn cung gỗ có chất lượng |
Để có nguồn nguyên liệu đáp ứng cho nhu cầu ngày càng tăng của ngành chế biến gỗ, VIFORES đã đề xuất 3 nhóm giải pháp cơ bản gồm: Mở rộng diện tích rừng trồng; Nâng cao năng suất rừng và chất lượng cây gỗ; Sử dụng nguyên liệu gỗ có hiệu quả và bền vững.
Theo đó, về trồng rừng, VIFORES cho biết, qua khảo sát thực tế, hiện nay chỉ có thể mở rộng rừng từ diện tích rừng trồng trên đất đã giao cho người dân theo hình thức liên kết giữa doanh nghiệp chế biến gỗ với chủ rừng là hộ gia đình và hợp tác xã trồng rừng. Thực tế có nhiều mô hình liên kết như vậy đã và đang vận hành có hiệu quả (Scansia Pacific, Nafoco, Woodlands…). Chính quyền ở nhiều tỉnh như Hà Giang, Yên Bái, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thanh Hóa… đã quan tâm và thực sự vào cuộc quản lý và hỗ trợ các mô hình liên kết này. Hộ gia đình và người dân đã bước đầu thay đổi nhận thức và ý thức về trồng rừng, tham gia vào mô hình liên kết có lợi hơn làm cá nhân nhỏ lẻ.
Tuy nhiên mô hình này, rất cần có các cơ chế, chính sách cụ thể để thực liên kết này có hiệu quả và bền vững. Cụ thể, về mặt pháp lý, dân cần được cấp sổ đỏ hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc xây dựng suất đầu tư trồng rừng này không phải để xin tiền ngân sách mà là căn cứ quan trọng để vay ngân hàng. UBND các tỉnh cần có bảng thống kê các loại đất; có bao nhiều loại hình đất, diện tích đất là bao nhiêu, loại hình đất đó để làm gì? Trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch tổng thể và kêu gọi thu hút đầu tư… Bởi thực tế đã chỉ ra rằng chỉ có các nhà đầu tư có vốn, có thị trường, có công nghệ thiết bị… đầu tư trồng rừng mới có hiệu quả và phát triển bền vững.
Đối với việc nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng. Theo VIFORES, để đảm bảo số lượng và chất lượng gỗ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ cần thiết phải nghiên cứu về giống và biện pháp kỹ thuật thâm canh rừng nhằm tăng năng suất và chất lượng rừng trồng đáp ứng được các yêu cầu về công nghệ chế biến gỗ và thị hiếu của người tiêu dùng. Ngoài cây keo và cây cao su, mỡ, bồ đề đang cung cấp nguồn nguyên liệu cho ngành chế biến, cần nghiên cứu bổ sung thêm một số loại cây mới đáp ứng nhu cầu của thị trường như cây xoan đào, keo hoa vàng, cây teak (giá tỵ)…
Cuối cùng là sử dụng nguyên liệu gỗ có hiệu quả và bền vững. Về đề xuất này, VIFORES cho rằng, đổi mới công nghệ cũ, lạc hậu bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu và năng lượng cần được chú trọng. Đặc biệt là cần tiến hành xây dựng các trung tâm giao dịch gỗ tại 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Hiện nay đã có Trung tâm giao dịch gỗ của Công ty Cổ phần Tân Vĩnh Cửu – TAVICO ở Biên Hòa, Đồng Nai. Trung Tâm này được doanh nghiệp đầu tư hàng 1.000 tỷ đồng, hoạt động rất có hiệu quả và đang có kế hoạch mở rộng quy mô lên 40 ha ở Đồng Nai.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Tôn Quyền, trung tâm giao dịch gỗ này không chỉ là đầu mối giao dịch buôn bán; là nơi cung cấp các loại gỗ cho các cơ sở chế biến gỗ; là nơi sơ chế các loại gỗ có các quy cách khác nhau theo nhu cầu của khách hàng… mà còn xây dựng các cụm xẻ sơ chế tập trung vào các Trung tâm giao dịch gỗ, Nhà nước chỉ cần cho cơ chế, doanh nghiệp sẽ đầu tư.
Mọi nhu cầu về tư vấn các giải pháp công nghệ nhà máy viên nén , máy ép viên nén gỗ, viên nén gỗ, trấu viên, viên nén bã mía, viên nén sinh khối …, quý vị liên hệ với CÔNG TY TNHH GỖ BSR ( bsrwoodpellet@gmail.com | 0962537439 ) để có được lời giải tối ưu nhất cho quý doanh nghiệp.
Máy ép viên mùn cưa 3 – 3,5 tấn/h BSR 7270 – Trung Quốc
Category: Máy ép viên nén mùn cưa, máy ép cám viên công suất lớn, Máy ép viên nén mùn cưa, Máy ép viên, Máy ép viên gỗ, Máy ép viên mùn cưa, Máy ép viên nén, Máy ép viên nhập khẩu, Máy ép viên Việt Nam, Củi Trấu Giá Rẻ, Viên Nén, Bếp Đun Viên Nén, Máy Ép Củi Mùn Cưa, máy ép viên mùn cưa, may ep vien mun cua, may ep vien nen, công ty cung cấp mùn cưa, công ty xuất khẩu mùn cưa, công ty sản xuất mùn cưa, mùn cưa, Củi Trấu, Củi Mùn cưa dăm bào, củi mùn cưa, viên nén mùn cưa, dăm gỗ, mùn cưa dăm bào, viên nén trấu viên nén gỗ, viên nén trấu
Tags: Máy ép viên, Máy ép viên đã sử dụng, Máy ép viên mùn cưa , Máy ép viên mùn cưa wood chip, Máy ép viên nén gỗ wood pellet, Máy ép viên nén, Máy ép viên nén Trung Quốc, Máy ép viên nén nhập khẩu, Máy ép viên nén wood pellet xuất khẩu, Máy ép viên nén mới, Máy ép viên nén chất lượng mới nhất 2018, Máy ép viên nén chất lượng mới nhất 2019, Máy ép viên BSR , Máy ép viên BSR 7270, BSRWOOD, May ep vien, May ep vien da su dung, May ep vien mun cua, May ep vien mun cua wood chip, May ep vien nen go wood pellet, May ep vien nen, May ep vien nen Trung Quoc, May ep vien nen nhap khau, May ep vien nen wood pellet xuat khau, May ep vien nen moi, May ep vien nen chat luong moi nhat 2018, May ep vien nen chat luong moi nhat 2019, May ep vien bsr, May ep vien BSR 7270, vien nen mun cua, vien nen go, cui mun cua, cui trau, gia vien nen go, gia ban vien nen mun cua, gia vien nen go xuat khau, gia vien nen mun cua xuat khau, mua khuon may ep vien, ban khuon may ep vien, khuon may ep vien nen, thanh ly may ep vien nen, thanh ly may day chuyen may ep vien, may ep vien nen mun cua mini, may ep vien nen cu
máy ép viên gỗ mùn cưa,máy ép viên gỗ mùn cưa,máy ép viên gỗ mùn cưa,máy ép viên gỗ mùn cưa,máy ép viên gỗ mùn cưa,máy ép viên gỗ mùn cưa,máy ép viên gỗ mùn cưa,máy ép viên gỗ mùn cưa,máy ép viên gỗ mùn cưa,máy ép viên gỗ mùn cưa,máy ép viên gỗ mùn cưa,máy ép viên gỗ mùn cưa,máy ép viên gỗ mùn cưa,máy ép viên gỗ mùn cưa,máy ép viên gỗ mùn cưa,máy ép viên gỗ mùn cưa,máy ép viên gỗ mùn cưa
Tags: Máy ép viên, Máy ép viên đã sử dụng, Máy ép viên mùn cưa , Máy ép viên mùn cưa wood chip, Máy ép viên nén gỗ wood pellet, Máy ép viên nén, Máy ép viên nén Trung Quốc, Máy ép viên nén nhập khẩu, Máy ép viên nén wood pellet xuất khẩu, Máy ép viên nén mới, Máy ép viên nén chất lượng mới nhất 2018, Máy ép viên nén chất lượng mới nhất 2019, Máy ép viên BSR , Máy ép viên BSR 7270, BSRWOOD, May ep vien, May ep vien da su dung, May ep vien mun cua, May ep vien mun cua wood chip, May ep vien nen go wood pellet, May ep vien nen, May ep vien nen Trung Quoc, May ep vien nen nhap khau, May ep vien nen wood pellet xuat khau, May ep vien nen moi, May ep vien nen chat luong moi nhat 2018, May ep vien nen chat luong moi nhat 2019, May ep vien bsr, May ep vien BSR 7270, vien nen mun cua, vien nen go, cui mun cua, cui trau, gia vien nen go, gia ban vien nen mun cua, gia vien nen go xuat khau, gia vien nen mun cua xuat khau, mua khuon may ep vien, ban khuon may ep vien, khuon may ep vien nen, thanh ly may ep vien nen, thanh ly may day chuyen may ep vien, may ep vien nen mun cua mini, may ep vien nen cu
Wood pellet mill, wood pellet machine, slicer, hammer crusher, dryer, pelletizer, cyclone, belt, wood pellet mill, mini pellet mill, munch pellet mill, cpm pellet mill, small pellet mill, buhler pellet mill, sawdust pellet mill, straw pellet mill, diesel wood pellet mill, ring die pellet mill, flat die pellet mill, portable pellet mill, grass pellet mill, kahl pellet mill, Pellet Machine , Feed Pellet Machine , Pellet Mill Machine ,Cpm Pellet Mill For Sale , Electric Pellet Mill , Industrial Pellet Mill, Pellet Mill Australia , Animal Feed Pellet Machine , Fish Feed Pellet
san xuat go mun cua, san xuat vien nen mun cua, cui mun cua, che bien go, go mun cua san xuat go mun cua, san xuat vien nen mun cua, cui mun cua, che bien go, go mun cua, vien nen go, may ep go vien nen, may ep vien, may che bien go, go, vien nen, trau vien, vien nen sinh khoi, nanag luong sinh khoi, day chuyen may ep go vien nen, day chuyen may ep vien, mat cat, may bam, may say, may nghien, bang tai, hoi cho , trien lam, may moc, thiet bi, thiet bi che bien go, may moc nganh go, Viên nén gỗ, wood pellet, máy ép gỗ viên nén, máy ép viên, máy chế biến gỗ, gỗ, viên nén, trấu viên, viên nén sinh khối, năng lượng sinh khối, wood pellet production mill, wood pellet machine, pelletizer, rice husk pellet, wood chip, dryer, cutter, slicer, hammer crusher, cyclone, dây chuyền máy ép gỗ viên nén, dây chuyền máy ép viên,máy cắt, máy băm, máy sấy, máy nghiền, băng tải, hội chợ, triển lãm, thiết bị, máy móc, thiết bị chế biến gỗ, máy móc ngành gỗ, trung quốc, bắc kinh, may ep vien nen mun cua truc dung, máy ép viên nén trục đứng, may ep vien nen mun cua trung quoc, thanh lý máy ép viên, giá bán máy ép viên nén, máy ép viên nén trung quốc, máy ép viên nén mùn cưa trung quốc, máy ép viên nén gỗ, giá máy ép viên nén, giá viên nén gỗ, giá máy ép viên nén, khuôn máy ép viên nén, sinh khối việt nam, máy ép viên nén chất lượng, máy ép viên nén mới
#pellet #woodpellet #woodpellets #biomassboiler #biomass #ricehusk #ricehuskpellet #cleanenergy #bioenergy #biofuel #bioenergy #pellet #woodpellet #woodpellets #biomassboiler #biomass #ricehusk #ricehuskpellet #cleanenergy #bioenergy #biofuel #bioenergy #vietnam #wood #woodworking #biofuels #pellets #pellets #bsrwood #rice #woodchip #wuxi #china #machinery #machining #mechanical #pelletmill #pelletmachine #pelletproductionline #pelletindustry #woodpellet #woodpellets #woodpelletvn #vietnam #woodchip #pellet #pellets #biofuel #bioenergy #biomasspellet #biopellet #korea #southkorea #japan #wood #woodworking #machinery #machine #pelletmill #pelletmachine #china #wuxi #shanghai #wuxibsr #bsr #bsrwood #Woodpelletmill #woodpelletmachine #slicer #hammercrusher #dryer #pelletizer #cyclone #belt #woodpelletmill #minipelletmill #munchpelletmill #cpmpelletmill #smallpelletmill #buhlerpelletmill #sawdustpellet mill #strawpelletmill #dieselwoodpelletmill #ringdiepelletmill #flatdiepelletmill #portablepellet mill #grasspelletmill #kahlpelletmill #PelletMachine #FeedPelletMachine #PelletMillMachine #PelletMillForSale #ElectricPelletMill #IndustrialPelletMill #PelletMillAustralia #AnimalFeedPelletMachine #FishFeedPellet #ringdie #roller #die #fuel
#pellet #woodpellet #woodpellets #biomassboiler #biomass #ricehusk #ricehuskpellet #cleanenergy #bioenergy #biofuel #bioenergy #pellet #woodpellet #woodpellets #biomassboiler #biomass #ricehusk #ricehuskpellet #cleanenergy #bioenergy #biofuel #bioenergy #vietnam #wood #woodworking #biofuels #pellets #pellets #bsrwood #rice #woodchip #wuxi #china #machinery #machining #mechanical #pelletmill #pelletmachine #pelletproductionline #pelletindustry #woodpellet #woodpellets #woodpelletvn #vietnam #woodchip #pellet #pellets #biofuel #bioenergy #biomasspellet #biopellet #korea #southkorea #japan #wood #woodworking #machinery #machine #pelletmill #pelletmachine #china #wuxi #shanghai #wuxibsr #bsr #bsrwood #Woodpelletmill #woodpelletmachine #slicer #hammercrusher #dryer #pelletizer #cyclone #belt #woodpelletmill #minipelletmill #munchpelletmill #cpmpelletmill #smallpelletmill #buhlerpelletmill #sawdust #dryers #mechanics #belting elletmill #strawpelletmill #dieselwoodpelletmill #ringdiepelletmill #flatdiepelletmill #portablepelletmill #grasspelletmill #kahlpelletmill #PelletMachine #FeedPelletMachine #PelletMillMachine #PelletMillForSale #milling #biomass #fuel
Add a Comment